Thay vì quy định tại nghị định, niên hạn sử dụng của xe cơ giới được Bộ GTVT đề xuất đưa vào Luật Đường bộ.
Quy định rõ niên hạn xe cơ giới
Tại dự thảo Luật Đường bộ đang được lấy ý kiến, Bộ GTVT đề xuất luật hóa niên hạn sử dụng của xe cơ giới thay vì chỉ quy định tại Nghị định 95/2009 như hiện nay.
Bộ GTVT đề xuất luật hóa niên hạn sử dụng của xe cơ giới tại dự thảo Luật Đường bộ đang được lấy ý kiến (Ảnh minh hoạ).
Theo đó, niên hạn sử dụng đối với xe ô tô chở hàng (xe ô tô tải) không quá 25 năm và đối với xe ô tô chở người có số người cho phép chở từ 10 người trở lên (kể cả người lái) không quá 20 năm.
Hiện nay, Nghị định 95/2009 chỉ quy định chung chung niên hạn xe chở hàng và niên hạn xe chở người. Tuy nhiên, Bộ GTVT đề xuất luật hóa và quy định rõ ràng hơn về đối tượng, chú thích rõ xe ô tô chở hàng tức là xe ô tô tải và việc áp dụng niên hạn đối với xe ô tô chở người chỉ tính xe có số người cho phép chở từ 10 người trở lên. Như vậy, xe ô tô chở người đến 9 chỗ không có niên hạn sử dụng.
Bên cạnh đó, Điều 50 của dự thảo luật còn quy định cách tính niên hạn sử dụng của xe bắt đầu từ năm sản xuất xe. Với xe cải tạo chuyển đổi công năng, nếu từ xe có niên hạn thành xe không có niên hạn, áp dụng quy định về niên hạn của xe trước khi cải tạo. Trường hợp ngược lại, áp dụng quy định về niên hạn của xe sau khi cải tạo.
Dự thảo luật cũng quy định Chính phủ quy định cụ thể niên hạn xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ sử dụng cho mục đích kinh doanh vận tải nhưng không quá niên hạn của xe chở hàng và xe chở người từ 10 chỗ trở lên.
Xe cơ giới hết niên hạn sử dụng không được tham gia giao thông và UBND cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm quản lý xe cơ giới hết niên hạn sử dụng tại địa bàn.
Theo Bộ GTVT, các quy định về niên hạn sử dụng xe cơ giới được đề xuất đưa vào dự thảo luật là những quy định đã thực hiện ổn định tại Nghị định 95/2009.
Các chuyên gia cho rằng, việc luật hóa là cần thiết, từ đó, tạo khung pháp lý để xây dựng văn bản quy phạm pháp luật dưới luật một cách cụ thể, chi tiết hơn.
Dự thảo Luật Đường bộ cũng bổ sung quy định về quản lý và bảo đảm chất lượng ATKT & BVMT xe cơ giới ngay từ khi sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu.
Bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường từ “gốc”
Bộ GTVT cũng đề xuất bổ sung 2 điều trong dự thảo luật liên quan đến quản lý và bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT & BVMT) phương tiện giao thông đường bộ (Điều 47, 48).
Đây là những nguyên tắc cơ bản dựa trên sự rà soát, nghiên cứu từ Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Luật Bảo vệ môi trường, các thông tư của Bộ trưởng Bộ GTVT về bảo đảm chất lượng ATKT & BVMT xe cơ giới trong sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, của xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ.
Cụ thể, dự thảo luật quy định: Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng phải được quản lý về chất lượng ATKT & BVMT từ khi sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và trong quá trình tham gia giao thông; Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phụ tùng của xe cơ giới phải đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng ATKT & BVMT.
Ngoài ra, cũng quy định bảo đảm chất lượng ATKT & BVMT của xe cơ giới trong sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu với các nội dung cụ thể như: Phải được thiết kế, kiểm tra, thử nghiệm, chứng nhận về chất lượng ATKT & BVMT quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT; Phương tiện giao thông công nghệ mới, phương tiện giao thông đa tính năng phải được thiết kế, kiểm tra, thử nghiệm, chứng nhận về chất lượng ATKT & BVMT đối với xe, phụ tùng khi sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu theo quy định.
Trường hợp xe cơ giới sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu nếu có phát thải khí thải phải đáp ứng mức tiêu chuẩn khí thái theo lộ trình do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Việc kiểm tra, thử nghiệm, thẩm định thiết kế, chứng nhận xe cơ giới, phụ tùng, khí thải của xe cơ giới; quản lý việc triệu hồi xe cơ giới; công nhận và chỉ định cơ sở thử nghiệm xe cơ giới, phụ tùng, khí thải của xe cơ giới; kiểm tra, hậu kiểm, giám sát việc đảm bảo chất lượng ATKT & BVMT của xe cơ giới trong hoạt động sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu được cơ quan đăng kiểm phương tiện tổ chức, thực hiện.
Bộ trưởng Bộ GTVT có trách nhiệm ban hành quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng ATKT & BVMT của xe cơ giới, phụ tùng, khí thải của xe cơ giới, cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe cơ giới; quy định trình tự, thủ tục, nội dung thực hiện việc: Công nhận và chỉ định cơ sở thử nghiệm, chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe cơ giới, thẩm định thiết kế, kiểm tra, thử nghiệm, chứng nhận về chất lượng ATKT & BVMT của xe cơ giới, phụ tùng, khí thải của xe cơ giới sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu; quy định danh mục và lộ trình bắt buộc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phương tiện, phụ tùng hài hòa theo các điều ước quốc tế; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải của xe cơ giới sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu.