70% số vụ tai nạn giao thông (TNGT) có liên quan đến mô tô, xe máy và hầu hết có lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện. Thống kê của Cục Cảnh sát giao thông một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những “lỗ hổng” trong công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) mô tô.
Điều này thể hiện qua con số hơn 40.000 trường hợp người điểu khiển mô tô, xe máy vi phạm về trật tự an toàn giao thông bị Cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội xử lý từ đầu năm 2023 đến nay, chiếm gần 60% tổng số vi phạm bị xử lý. Qua xử phạt, hầu hết người điều khiển mô tô, xe máy không nắm chắc các quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Thế nên, người điều khiển xe máy thường xuyên mắc các vi phạm như: không tuân thủ biển báo hiệu, vạch kẻ đường, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, đi sai làn đường, phần đường…
Nhiều chuyên gia an toàn giao thông thừa nhận, trong khi công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX ô tô đang dần được nâng chất lượng với sự đổi mới chương trình đào tạo và khâu giám sát khi sát hạch, thì chất lượng đào tạo, sát hạch cấp GPLX mô tô, xe máy gần như chưa cải thiện. Một số cơ sở đào tạo lái xe máy chưa chú trọng giảng dạy cho học viên hiểu biết về pháp luật giao thông đường bộ, kỹ năng điều khiển xe an toàn và xử lý các tình huống có nguy cơ xảy ra TNGT, cũng như nâng cao ý thức, đạo đức và văn hóa giao thông của người lái xe.
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ TNGT liên quan đến xe máy cao hơn ô tô do lượng xe máy lưu hành tại Việt Nam đã vượt trên 60 triệu chiếc, gây áp lực lớn cho hạ tầng giao thông. Đây chính là nguy cơ tiềm ẩn TNGT cao từ xe máy.
Tuy nhiên, Cục Giao thông đường bộ thừa nhận, trong khi nội dung đào tạo lái xe ô tô liên tục được nghiên cứu, bổ sung các nội dung mới nhằm nâng cao chất lượng GPLX, thì nội dung, thời gian đào tạo lái xe đối với người điều khiển xe máy nhiều năm không thay đổi.
Quy định mới nhất là Thông tư 12/TT-BGTVT về đào tạo, sát hạch cấp GPLX, được ban hành từ năm 2017. Theo đó, thời gian học lý thuyết và thực hành của người học lái xe mô tô hạng A1 (được điều khiển phương tiện đến dưới 175 phân khối) được quy định vỏn vẹn 12 giờ (10 giờ đào tạo lý thuyết và 2 giờ đào tạo thực hành lái xe).
Thế nên, đa số học viên học lái xe mô tô đều tự học lý thuyết và thực hành lái xe, thậm chí hầu hết học viên đã điều khiển mô tô, xe máy trước khi đăng ký học và tham gia sát hạch. Do không yêu cầu phải cấp chứng chỉ, rất khó khẳng định học viên đã trang bị đầy đủ kiến thức về luật và kỹ năng phòng ngừa rủi ro.
6 năm qua, hình thái giao thông đã thay đổi hoàn toàn, số lượng phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến. Trong khi người tham gia giao thông không được học kỹ cả về lý thuyết và thực hành trước khi điều khiển mô tô, xe gắn máy, khiến nguy cơ TNGT và vi phạm quy định an toàn giao thông đối với bản thân họ và cộng đồng tăng lên rõ rệt.
Bộ GTVT đang nghiên cứu sửa đổi Thông tư 12/TT-BGTVT, song những nội dung sửa đổi vẫn tập trung chủ yếu vào công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX ô tô là chủ yếu.
Rõ ràng, chương trình đào tạo, sát hạch lái xe mô tô ở Việt Nam đang thiếu nội dung về khả năng nhận biết và xử lý các tình huống nguy hiểm trên đường, trong khi đây là nội dung được nhiều nước phát triển áp dụng để người điều khiển xe máy tham gia giao thông an toàn.
Thiết nghĩ, cơ quan quản lý cần sớm thiết kế lại chương trình, giáo trình đào tạo lái mô tô, xe máy sát với trạng thái giao thông hiện nay. Đặc biệt là nâng cao kiến thức, kỹ năng về nhận biết nguy hiểm, rủi ro; kỹ năng phòng tránh, xử lý các tình huống nguy hiểm khi tham gia giao thông. Không chỉ được học, mà học viên còn phải tham gia sát hạch nội dung này trước khi được cấp GPLX.
Thanh Thảo